Tây Du Ký 2: Tôn Ngộ Không Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh | The Monkey King 2 (2016)
Sau thành công của Tây Du Ký: Đại Náo Thiên Cung với doanh thu hơn 170 triệu USD (tương đương 3786 tỉ đồng), nhà sản xuất tiếp tục thực hiện phần hai mang tên Tây Du Ký 2: Tôn Ngộ Không Ba Lần Đánh Bạch Cốt Tinh. So với phần trước, dàn diễn viên gần như thay đổi toàn bộ. Chân Tử Đan rút lui khỏi dự án. Quách Phú Thành ở phần trước phụ trách vai Ngưu Ma Vương giờ đây lại trở thành Tôn Ngộ Không. Trong phần hai này, 500 năm đã trôi qua kể từ ngày Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung. Cơ duyên đã đưa Đường Tăng đến Ngũ Hành Sơn và giải thoát cho lão Tôn. Sau đó, họ kết nạp thêm Bát Giới và Sa Tăng (La Trọng Khiêm) cùng lên đường thỉnh kinh. Cùng lúc, nữ yêu Bạch Cốt Tinh (Củng Lợi) cũng dõi theo từng bước chân của bốn thầy trò và chực chờ cơ hội ra tay. Phiên bản điện ảnh đã làm ngắn gọn lại các tình tiết khi gộp chung việc thu phục Bát Giới và Sa Tăng, cũng như lược bỏ câu chuyện Trấn Nguyên đại tiên và đi thẳng đến kiếp nạn Bạch Cốt Tinh.Nhân vật Đường Tăng không còn quá nghiêm túc, mà đôi khi lại gây cười bởi sự nhiệt tình và “vi diệu” quá mức. Trong khi đó, Bát Giới và Sa Tăng lại thường xuyên tung hứng với những câu thoại bá đạo. Chính vì vậy, khán giả xem Tây Du Ký 2 sẽ có nhiều pha “cười lăn lộn” không kém gì Mỹ Nhân Ngư của Châu Tinh Trì. Trên thực tế, đạo diễn Trịnh Bảo Thụy còn chia sẻ rằng ê-kíp đã phải cắt đi khá nhiều cảnh hài để không bị mang tiếng là phá hỏng tác phẩm.Về mặt kỹ xảo, Tây Du Ký 2 tiến bộ hơn hẳn so với phần một, vốn từng bị chê bai bởi công nghệ 3D khá tệ, chưa kể một số quái vật trông giống như… cosplay. Sự có mặt của dàn chuyên viên Hollywood từng thực hiện Lord of the Rings đã phát huy tác dụng. Với kinh phí 68 triệu USD (hơn 1500 tỉ đồng), tác phẩm đã tạo ra được một thế giới kỳ ảo, kết hợp giữa những cảnh núi non hùng vĩ và kinh thành tráng lệ. Hiệu ứng CGI được đánh giá khá tốt vì những cảnh chiến đấu và hình ảnh 3D có độ chìm sâu.Các màn đọ sức của phim là sự kết hợp của võ thuật Trung Quốc và kỹ xảo phương Tây, đặc biệt là thủ pháp slow-motion. Với sự góp mặt của Hồng Kim Bảo trên cương vị cố vấn, các diễn viên đều ra đòn nhanh và có lực trong các pha cận chiến, dù không nhiều người trong số họ biết võ thuật. Trong trận đại chiến cuối cùng với Bạch Cốt Tinh, người xem sẽ mãn nhãn với những trường ác đấu quyết liệt như trong các bộ phim siêu anh hùng của Hollywood.Trong vai chính, Quách Phú Thành có diễn xuất tốt bất ngờ. Anh không cố bắt chước theo sự linh động hay chất khỉ của Lục Tiểu Linh Đồng, điều mà Chân Tử Đan đã thất bại. Thay vì vậy, nam diễn viên thể hiện nhân vật có phần “đời” hơn, hơi giống với mẫu đại hiệp trong truyện võ thuật. Tôn Ngộ Không của Quách Phú Thành nóng tính và đôi khi có những trăn trở rất hợp lý về việc tại sao mình lại phải phục vụ dưới trướng một người chẳng có tài cán gì như Đường Tăng.Như đã đề cập bên, nhân vật Đường Tăng được xây dựng theo lối cường điệu. Vẻ đẹp trai của Phùng Thiệu Phong hóa ra lại tương phản với tính tình có phần… bao đồng của Đường Tăng. Trong khi đó, Tiểu Thẩm Dương và La Trọng Khiêm là cặp bài trùng gây cười với tính cách đối lập. Nếu như Trư Bát Giới thường xuyên “ảo tưởng sức mạnh” về độ đẹp trai, lại hay thích “bỏ của chạy lấy người”, thì Sa Tăng có phần lù đù nhưng tốt bụng.Mặc dù vậy, Củng Lợi mới là thật sự là ngôi sao tỏa sáng nhất phim. Ở tuổi 50, “mỹ nhân không tuổi” của điện ảnh Hoa ngữ đã có màn trở lại ngoạn mục. Nhân vật Bạch Cốt Tinh được viết lại với một câu chuyện hoàn toàn mới, giúp nữ minh tinh hóa thân thành một kẻ phản diện vừa quyến rũ, vừa ác độc nhưng cũng vô cùng đáng thương. Với ánh mắt sắc sảo và bộ đồ đen thướt tha, Bạch Cốt Tinh gợi nhớ đến bà tiên ác Maleficent hay nữ hoàng trong Snow White and the Huntsman. Về mặt tâm lý, cả ba đều là những cô gái ngây thơ và chỉ trở nên độc ác sau một biến cố trong quá khứ.Dù còn vài điểm trừ như tạo hình của Quan Âm Bồ Tát chưa thoát tục hay một số tình tiết không chặt chẽ, song nhìn chung, Tây Du Ký 2 có chất lượng vượt trội so với phần trước. Yếu tố hiện đại và hài hước được lồng vào khá tinh tế, kết hợp với phần kỹ xảo được dàn dựng công phu. Tây Du Ký đối với người Châu Á cũng như Star Wars của phương Tây, không chỉ đơn thuần là một tập sách hay bộ phim, mà còn chứa cả tuổi thơ đầy hoài niệm.Chính vì vậy, các nhà làm phim đã vô cùng khéo léo khi lồng ghép bản nhạc mở đầu của Tây Du Ký 1986 vào đoạn cuối như một lời tri ân đến tác phẩm kinh điển của đạo diễn Dương Khiết. Dù vận đổi sao dời, dù thời gian có phủ lên bao lớp bụi mờ, dù cách nhìn nhận của lớp hậu sinh có khác bậc tiền bối, song hành trình của bốn thầy trò Đường Tăng vẫn mãi vẹn nguyên trong lòng bao thế hệ khán giả như biểu tượng của một phần tuổi thơ rực rỡ.